Gyeongbokgung hay Cảnh Phúc Cung ở Seoul là một điểm tham quan phổ biến. Ghé thăm cung điện, du khách không chỉ chiêm ngưỡng được lối kiến trúc truyền thống của người Hàn mà còn biết thêm nhiều thông tin thú vị về văn hóa, lịch sử ở xứ sở Kimchi.

Lịch sử Cảnh Phúc Cung ở Seoul, Hàn Quốc

Cảnh Phúc Cung xây dựng từ năm 1395, dưới thời vua Ji Seong và là nơi diễn ra các hoạt động triều chính trong suốt thời Joseon (từ 1392 – 1910). Tuy nhiên, vào thời gian diễn ra chiến tranh và thời kỳ trở thành thuộc địa của Nhật, cung điện đã bị phá hủy nhiều lần. Đến năm 1990, Cảnh Phúc Cung mới được trùng tu lại giống với lối kiến trúc xưa.

Tọa lạc ngay trung tâm thủ đô Seoul, Gyeongbokgung cũng áp dụng tính chất phong thủy như Hoàng cung của Trung Quốc là lưng dựa vào núi, mặt tiền hướng ra biển. Đây cũng là cung điện lớn nhất trong quần thể Ngũ Cung, đại diện cho sự uy nghiêm và thống trị của triều đại Joseon.

Khi vào tham quan, du khách sẽ thấy Cảnh Phúc Cung không có đường nét chạm khắc công phu như Tử Cấm Thành hay sử dụng nhiều màu sắc. Cung điện chỉ có năm màu cơ bản là xanh, trắng, đen, đỏ, vàng kết hợp lối kiến trúc đơn giản, hòa hợp cùng khung cảnh thiên nhiên nên vẫn tạo được sự hùng mạnh, uy quyền của Hoàng đế. Điều này khiến nhiều khách du lịch khá bất ngờ trước vẻ đẹp của Cảnh Phúc Cung ở Seoul.

Những khu vực chính trong Cảnh Phúc Cung ở Hàn Quốc

Bên trong cung điện Gyeongbokgung được chia thành nhiều khu hoạt động triều chính, khu sinh hoạt nghỉ ngơi và bảo tàng trưng bày. Khách du lịch sẽ được đưa đi tham quan hết để biết thêm về thời phong kiến lúc xưa ở Hàn Quốc.

1. Quảng Hòa Môn

Nằm ở phía Nam, Quảng Hòa Môn là cổng chính của cung điện Gyeongbokgung. Kiến trúc cổng được thiết kế với lớp mái 2 tầng và 3 cửa tò vò. Trong đó, cửa chính giữa cao nhất là dành cho vua còn 2 cửa hai bên dành cho quan lại. Phía trước Quảng Hòa Môn là con đường Lục Bộ Lộ. Đến nay thì đổi thành Đại lộ Sejong.

2. Cần Chính Điện

Đây là nơi thiết triều, diễn ra các hoạt động chính thức của triều đình và đón tiếp sứ thần các nước ngoại bang. Cần Chính Điện là điện lớn nhất và hoành tráng nhất trong các kiến trúc ở cung điện Gyeongbokgung.

3. Khánh Hội Lâu

Tọa lạc trên ao sen nhân tạo, Khánh Hội Lâu là nơi đẹp nhất của Cảnh Phúc Cung và xuất hiện nhiều trong các bộ phim cổ trang Hàn Quốc quay thời Joseon. Khu vực này là nơi diễn ra các buổi yến tiệc của triều đình, đàn ca sáo thổi. Từ cổng Quảng Hòa Môn vào, du khách sẽ thấy Khánh Hội Lâu nằm bên trái cung Gyeongbokgung.

4. Khang Ninh Điện

Khang Ninh Điện là nơi vua nghỉ ngơi, gồm 9 gian nhà rộng rãi và có hệ thống sàn sưởi Ondol bên dưới. Điện này nằm ngay phía sau Cần Chính Điện. Nhà vua sẽ nghỉ ngơi tại gian chính điện ở Khang Ninh Điện.

5. Giao Thái Điện

Giao Thái có nghĩa là sinh sôi, nảy nở và điện này là nơi nghỉ ngơi của Hoàng hậu. Phía sau điện có khu vườn rất đẹp, trang trí bởi các cột hình lục giác có khắc họa lân phượng, chim chóc và hoa lá. Đất để nung các viên gạch xây cột được lấy từ ao mà Khánh Hội Lâu tọa lạc.

6. Bảo tàng Cố cung Quốc gia

Đây là nơi lưu trữ và tôn vinh các nét văn hóa hoàng cung thời Joseon. Bảo tàng Cố cung Quốc gia chia thành 5 khu chính: Bản ghi và biểu tượng Hoàng cung, Hoạt động tôn giáo, Kiến trúc Hoàng cung, Khoa học thời Joseon và Cuộc sống Hoàng cung. Giờ hoạt động từ 09g00 – 18g00. Đóng cửa vào thứ Hai hàng tuần.

7. Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc

Xây dựng vào năm 1945, Bảo tàng Dân gian Quốc gia Hàn Quốc ở Cảnh Phúc Cung là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Tính đến thời điểm hiện tại, bảo tàng đã lưu giữ hơn 400 hiện vật lịch sử cũng như tái hiện lại cuộc sống thường ngày, sinh hoạt, tín ngưỡng của người Hàn từ xưa đến nay.

Thông tin về Cảnh Phúc Cung ở Seoul

Địa chỉ: 161 đường Sajik, Jongno-gu, Seoul

Giờ hoạt động: quanh năm, đóng cửa vào thứ 3 hàng tuần.

Tháng 3 đến tháng 10: 09h00 – 18h00

Tháng 11 đến tháng 2: 09h00 – 17h00 

Tham khảo các tour du lịch Hàn Quốc. 

Xem thêm những kinh nghiệm du lịch Hàn Quốc