Chuông Vua nằm trong điện Kremlin tại Moskva. Chiếc chuông được đặt trên một cái bệ điêu khắc, và bất cứ ai từng chiêm ngưỡng cũng không thể không ngưỡng mộ tác phẩm khổng lồ này. 

Chuông Vua có chiều cao hơn 6 mét, nặng đến 200 tấn. Nó được trang trí với nhiều hình nổi độc đáo, trong đó có hình ảnh thiên thần, các vị thánh và ba vòng trang trí thực vật. Vị trí trung tâm trên chuông Vua được dành cho các bức chân dung nổi của các vị Nga hoàng - những người đã ra lệnh đúc Chuông Vua như là biểu tượng cho sự vĩ đại của nước Nga.

Hoàn cảnh ra đời của Chuông Vua

Tục kéo chuông của Nga đến từ phương Tây, nơi có truyền thống thờ chuông. Còn nghệ thuật đúc chuông được coi là một nghề thiêng liêng và cao quý. Tín đồ Kitô xưa kia tin rằng chuông khiến cho quỷ dữ sợ hãi.

Kể từ đầu thế kỷ XVII, thợ đúc chuông Nga đã hình thành một phong cách đặc trưng, các thiết kế thời này khá phức tạp và đậm tính nghệ thuật của Nga. Nhờ những điều này chuông Nga có tiếng vang mạnh và giai điệu hay khác thường. Ngoài ra, Nga cũng vượt qua tất cả các nước khác về số lượng và trọng lượng của chuông đúc. Những chiếc chuông lớn nhất từng được gọi là “chuông Nga Hoàng” – dành riêng cho tháp chuông nhà thờ của điện Kremlin.

Chiếc Chuông Vua lớn nhất nước Nga chưa bao giờ được gióng lên dù chỉ một lần. Thực sự, số phận của chiếc chuông này phải nói là không hề may mắn. Nó được đúc năm 1735. Hơn một năm trời, các thợ đúc đã thực hiện việc trang trí và khắc chữ trên thân Chuông Vua. Công việc sắp kết thúc thì đến tháng 5 năm 1737, một vụ hỏa hoạn lớn chưa từng có xảy ra trong điện Kremlin. Đám cháy đã phá hủy hầu như tất cả cấu trúc bằng gỗ, nó khiến chuông rơi xuống hố đúc. Chuông Vua sau đó bị nung đỏ, người ta hốt hoảng phun nước vào nó. Kết quả là chuông bị nứt vỡ, một mảnh vỡ của chuông nặng đến 11 tấn. Gần 100 năm sau đó Chuông Vua vẫn nằm trong hố đúc. Người ta đã làm một cái thang đặc biệt cho du khách xuống xem chuông và chiêm ngưỡng hình Nga Hoàng Alexei Mikhailovich và Hoàng hậu Anna Ivanovna trên thân chuông.

Đến năm 1836 Nga hoàng Nicholas I đã ra lệnh đưa chuông lên, lau sạch và đặt lên bệ ở gần tháp chuông Ivan. Cho đến tận bây giờ, Chuông Vua vẫn ở đó, như là biểu tượng của nghệ thuật đúc của Nga. Kỷ lục của Chuông Vua cho đến nay vẫn chưa có ai vượt qua – không chỉ các chuyên gia ở các châu lục khác, mà trong số những bậc thầy đúc chuông Nga cũng chưa có ai có thể làm lại được.