Đến Hà Giang vào mùa Xuân, du khách sẽ được đắm chìm trong sắc màu của hoa cải, hoa đào, hoa mận… trên cao nguyên đá

Cành hoa mận trắng đón mùa xuân mới...

Hoa đào ở miền cao nguyên đá không nở sớm từ đầu tháng Chạp như hoa đào Mộc Châu mà nở muộn hơn, thường vào ngày cận tết và sau tết.

Ở Đồng Văn, hoa đào nở nhiều và đẹp nhất ở Sủng Là, Phố Bảng, Phó Cáo, Lũng Cú, Ma Lé, Thài Phìn Tủng… Ngay trước cửa nhà Vương, chợ Sà Pìn cũng nhiều đào nở đẹp.

Hoa mận trắng tinh khôi

Và cải vàng rực rỡ...

Cải vàng mùa xuân trên cao nguyên đá khiến vùng cực bắc tổ quốc thêm đẹp và mơ mộng.

Hò hẹn Hà Giang vào mùa xuân, bạn sẽ được gặp một cao nguyên đá quyến rũ và mộng mơ đến lạ kỳ với những triền cải vàng mênh mang trong nắng.

Không giống miền xuôi có hàng chục, hàng trăm thứ rau để canh tác, núi đá Hà Giang “ưa” nhất rau cải. Giống cải này khác cải ngọt, cải canh, cải cúc quen đất tối và nước tưới dưới đồng bằng, nó là giống cải đặc biệt thích nghi với những vốc đất khô khát trên cao nguyên đá.

Dưới những dãy núi đá điệp trùng là những nếp nhà Mông ngói nâu lặng lẽ, bên tường nhà, dưới những khe suối là từng vạt hoa cải trổ bông vàng thắm.

Dọc con đường cheo leo từ Yên Minh đến Đồng Văn, rồi từ thị trấn Đồng Văn lên Lũng Cú, cải thi nhau vươn cao từng chùm hoa rực rỡ, tô điểm cho sắc đen nâu núi đá bớt lạnh vắng, u hoài.

Người Mông gieo cải trên những khoảng đất họ phải nhọc công cày cuốc, có khi là cả một khoảng ruộng bậc thang rộng trăm thước, cũng có khi chỉ nhỏ như một lưỡi dao đặt giữa các nhịp đá mấp mô.

Nương cải còn là nơi... giao duyên của các chàng trai cô gái.

Nếu bạn tới Hà Giang những ngày sau Tết, có thể sẽ đúng dịp tham dự Lễ hội mùa xuân, đây là lễ hội vui xuân của dân tộc H mông và dân tộc Dao, thường được tổ chức vào những ngày sau Tết Nguyên Đán và kéo dài từ 3 đến 7 ngày. Lễ hội có nhiều hoạt động như thi bắn nỏ, hát giao duyên, ném pa páo, uống rượu, mở tiệc đãi khách.