Kinh nghiệm du lịch Hà Giang từ A đến Z mới nhất
Hà Giang không chỉ đẹp bởi phong cảnh hùng vĩ, những con đường uốn lượn quanh co dài bất tận, mà còn đẹp bởi sắc hoa và tình người. Trong bài này Danh Nam travel sẽ chia sẻ cho các bạn những kinh nghiệm du lịch Hà Giang mới nhất.
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang mùa nào đẹp nhất?
Không ngoa khi nói rằng Hà Giang mùa nào cũng đẹp:
Tháng 1,2: Nhiều lễ hội truyền thống như lễ hội mừng thọ của người Tày, lễ hội chọi trâu, lễ hội đấu ngựa, lễ hội lồng tồng… Những lễ hội này thu hút đông đảo khách du lịch từ nhiều nơi kéo tới đây.
Tháng 3: Thời điểm đẹp nhất của Hà Giang với những vườn đào, mận nở rộ tràn đầy sắc xuân. Rừng mận, đào bạt ngàn sắc hoa trắng hồng như một bức tranh thuỷ mặc làm say lòng người.
Tháng 4: Lễ hội lớn là chợ tình Khâu Vai. Không gian chợ nhộn nhịp, náo nhiệt với đông đảo mọi người cùng đến tham dự lễ hội. Đến đây, các bạn sẽ thấy được nét đẹp nhân văn của chợ tình Khâu Vai, hình ảnh những anh chàng, cô nàng xúm lại tán chuyện, chia sẻ với nhau những câu chuyện cuộc sống. Lễ hội đến là thời gian ngắn ngủi cho những người yêu nhau nhưng không đến được với nhau gặp lại nhau, bên nhau trò chuyện, tâm tình.
Tháng 5,6: Mùa nước đổ. Đây cũng là thời điểm người dân bắt đầu nhộn nhịp xuống đồng để chuẩn bị cho mùa vụ mới.
Tháng 8,9: Mùa lúa chín. Những thửa ruộng bậc thang óng ảnh màu vàng như trải dài tới tận chân trời thu hút nhiều khách du lịch tham quan.
Tháng 10,11: Mùa tam giác mạch nở khắp sườn đồi, chân núi như một thảm hoa tím hồng lãng mạn.
Tháng 12: Mùa hoa cải vàng rực rỡ.
Việc lựa chọn thời điểm lý tưởng đi du lịch Hà Giang rất quan trọng, vì vậy để tránh trường hợp bạn đi không đúng thời điểm sẽ không tận hưởng được hết vẻ đẹp của Hà Giang. Để làm được điều đó, Danh Nam travel đã đưa ra kinh nghiệm du lịch Hà Giang mùa nào đẹp nhất để các bạn có thể lựa chọn được thời gian hợp lý.
Tìm hiểu thêm kinh nghiệm du lịch Hà Giang tại đây!
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang bằng phương tiện gì?
Hà Giang là mảnh đất nổi tiếng với sự hiểm trở của những cung đèo uốn lượn, những đoạn đường đầy chông gai, thử thách. Việc lựa chọn phương tiện đi du lịch Hà Giang là một điều không thể bỏ qua khi có dịp tới đây, đặc biệt là những người chưa bao giờ một lần tới mảnh đất này. Sau đây, Danh Nam Travel xin chia sẻ một số kinh nghiệm du lịch Hà Giang tới bạn đọc qua bài viết này.
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang bằng xe khách
Xe khách từ lâu đã là một loại phương tiện phổ biến cho những ai muốn đi du lịch Hà Giang bởi sự tiện lợi cũng như giá cả phù hợp và bạn không phải mất công tìm đường. Từ Hà Nội, bạn có thể dễ dàng tìm những chuyến xe lên Hà Giang tại bến xe Mỹ Đình với mức giá giao động từ 150.000đ – 200.000đ/người. Với quãng đường hơn 300km, bạn sẽ mất 6 – 7 tiếng từ Hà Nội đến thành phố Hà Giang. Dưới đây Danh Nam xin cung cấp cho bạn đọc một số nhà xe chuyên tuyến Hà Nội – Hà Giang cùng với SĐT nhà xe và giá cho các bạn lựa chọn:
• Xe khách Thịnh Mỹ: SĐT: 0914868737
Giá: (170k)
• Xe khách Hưng Thành: SĐT: 1900636512 / 02436337575
Giá: (200k)
• Xe khách Hải Vân Express: SĐT: 0438717171 / 0982428868
Giá: ( 200k)
• Xe khách Cầu Mè: SĐT: 0915448933 / 0913589055
Giá:(150k – 180k)
Sau khi đến thành phố Hà Giang, bạn hãy thuê cho mình một chiếc xe máy rồi tự do khám phá mảnh đất Hà Giang là tuyệt nhất. Giá thuê một chiếc xe máy ở đây rơi vào khoảng 150.000đ – 350.000đ/xe/ngày.
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang bằng xe du lịch (theo tour)
Theo như kinh nghiệm du lịch Hà Giang của Danh Nam thì đây chính là một loại hình di chuyển được nhiều người lựa chọn nhất bởi một số yếu tố: xe đưa đón tận nơi tại các điểm du lịch theo chương trình (khác với xe khách là chỉ dừng tại tp. Hà Giang), tiện lợi và an toàn. Với việc di chuyển bằng xe du lịch, bạn có thể được đi theo cung đường thăm quan Hà Giang như sau:
• Hà Nội – Hà Giang: hơn 300km (6 – 7 tiếng)
• Hà Giang – Quản Bạ: khoảng 57km (2 – 3 tiếng)
• Quản Bạ - Yên Minh: 57km (2 – 3 tiếng)
• Yên Minh – Đồng Văn: 27km (1 tiếng)
• Đồng Văn – Lũng Cú: 38 km (2 tiếng)
• Đồng Văn – Mã Pì Lèng: 44km (2 – 3 tiếng)
Việc di chuyển bằng xe du lịch mặc dù có những thuận lợi và chương trình rõ ràng nhưng bù lại bạn không được chủ động dừng chân tại các điểm mà mình mong muốn.
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang bằng xe máy (phượt Hà Giang)
Nếu bạn là người ưa mạo hiểm, muốn chinh phục những cung đường đèo hiểm trở, muốn tự do ngắm nhìn thiên nhiên, tự do check in bất cứ nơi nào bạn muốn thì chiếc xe máy chính là người bạn đồng hành tuyệt vời.
Sau khi lên đến thành phố Hà Giang, bạn có thể tự do thăm thú tại những địa điểm đẹp mà bạn mong muốn, tự do trải nghiệm cuộc sống và văn hóa của người dân nơi đây hoặc chinh phục những cung đường đèo nổi tiếng.
Dưới đây, Danh Nam Travel xin chia sẻ tới các bạn lộ trình đường phượt Hà Giang bằng xe máy (3N2Đ) được nhiều phượt thủ lựa chọn:
• Ngày 1: Hà Nội – Tuyên Quang – Hà Giang (7 – 8 tiếng)
• Ngày 2: Tp. Hà Giang – Quản Bạ - Yên Minh – Dinh Họ Vương – Lũng Cú
• Ngày 3: Đồng Văn – Mã Pì Lèng – Mèo Vạc – Hà Giang - Hà Nội
Bên trên chỉ là lịch trình 3N2Đ bằng xe máy. Bạn có thể điều chỉnh lại lộ trình sao cho phù hợp với sức khỏe cũng như thời gian mình có.
Danh Nam Travel xin lưu ý đối với những bạn có dự định đi du lịch Hà Giang bằng xe máy: hãy tìm hiều trước những cung đường ở đó, kiểm tra thông tin thời tiết và đặc biệt hãy chắc chắn rằng tay lái bạn đủ “cứng” để chinh phục những cung đường Hà Giang.
Hi vọng thông qua bài chia sẻ về “Kinh nghiệm du lịch Hà Giang bằng phương tiện gì?” vừa rồi sẽ giúp bạn đọc biết thêm được phần nào về phương hướng di chuyển đến Hà Giang từ đó bạn có thể lựa chọn cho mình phương án phù hợp nhất.
Tìm hiểu thêm kinh nghiệm du lịch Hà Giang tại đây!
Kinh nghiệm lưu trú khi du lịch Hà Giang
Lưu trú tại thành phố Hà Giang
-
Khách sạn Cao Nguyên:
Địa chỉ: Số nhà 297, Nguyễn Thái Học , tp Hà Giang, Hà Giang
Cao Nguyên là khách sạn 3 sao với hệ thống phòng đẹp có 42 phòng. Có 4 loại phòng là phòng Vip, phòng đơn, phòng đôi và phòng 3.
Nằm ngay tại trung tâm của thành phố, nên từ Khách sạn Cao Nguyên, bạn có thể di chuyển dễ dàng đếncác điểm đặc biệt của nội thị như : chợ trung tâm ,công viên, khu ẩm thực và cà phê nổi tiếng của Thành Phố Hà Giang.
-
Hotel Việt Trung
Địa chỉ: 32 Đường Minh Khai | Gần bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang
Có khuân viên rộng 2000m2, với 28 phòng nghỉ tiêu chuẩn 2 sao đầy đủ tiện nghi nội thất sang trọng, ấm cúng, khách sạn Việt Trung sẽ làm cho quý khách thực sự cảm thấy thoải mái, thuận tiện và hài lòng.
chỉ cách bến xe khách 10 phút đi bộ, Việt Trung dần trở thành một địa chỉ tin cậy cho cả khách du lịch và khách thương gia tại trung tâm đang phát triển nhanh về du lịch, dịch vụ của tỉnh Hà Giang
-
Khách sạn Sao Mai
Địa chỉ: tọa lạc tại 113 Nguyễn Trãi, tp Hà Giang, Hà Giang.
Khách sạn Sao Mai có 65 phòng nghỉ được chia thành 4 loại phòng cho quý khách lựa chọn với các tiện nghi đạt tiêu chuẩn 3 sao: Phòng single, phòng double, phòng triple, phòng vip.
Khách sạn nằm cạnh con sông Lô êm đềm, trung tâm thành phố, thuận tiện cho việc giao thông, đi lại của quý khách
Lưu trú tại Đồng Văn
-
Khách sạn Hoa Cương
Địa chỉ: tổ 5, thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Khách sạn Hoa Cương là khách sạn 3 sao đầu tiên tại Đồng Văn – Hà Giang. Nằm tại trung tâm huyện Đồng Văn, là vùng lõi của Công viên địa chất Toàn cầu Unesco Cao nguyên đá Đồng Văn. Khách sạn được khánh thành và đi vào hoạt động từ đầu năm 2015 (Là một trong những khách sạn Qui mô và hiện đại nhất Hà Giang cho đến thời điểm này). Với quy mô 9 tầng, 82 phòng ngủ gồm: (58 Phòng 2 giường, 7 Phòng 3 giường, 15 Phòng 1 giường, 2 Phòng VIP). Ngoài ra khách sạn còn có hội trường lớn để tổ chức các sự kiện, hội nghị, hội thảo, tiệc cưới, sinh nhật…
-
Khách sạn Khải Hoàn
Địa chỉ: Thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Khách sạn có hệ thống phòng sạch đẹp, với tổng số 23 phòng trong đó có 6 phòng 1 giường, 15 phòng 2 giường và 2 phòng 3 giường nên có nhiều lựa chọn cho quý khách. Từ khách sạn quý khách có thể đi bộ đến chợ trung tâm và khu phố cổ. khách sạn Khải Hoàn là một trong những khách sạn 1 sao lý tưởng cho quý khách du lịch, nghỉ dưỡng tại Đồng Văn.
-
Má Lé homestay
Homestay này được xây dựng từ một nhà cổ của đồng bào dân tộc Giáy. Làm du lịch cộng đồng, không gian nhà cổ được tu sửa lại nhưng vẫn giữ nguyên những nét văn hóa truyền thống. Đến với homestay này, khách chỉ phải trả 40 nghìn đồng cho một đêm ngủ và 70 nghìn đồng để có một bữa ăn cùng với gia đình. Vừa được trải nghiệm văn hóa của người dân mà giá vé lại rẻ, thế nên nhiều khách du lịch vẫn lựa chọn homestay Ma Lé là điểm dừng chân trong chuyến đi khám phá Đồng Văn.
Lưu trú tại Yên Minh
-
Khách sạn Thảo Nguyên
Địa chỉ: tổ 3, thị trấn Yên Minh, tỉnh Hà Giang,
Khách sạn Thảo Nguyên xếp hạng tiêu chuẩn 1 sao. Khách sạn gồm 7 tầng, diện tích xây dựng 2.376m2 có 51 phòng, trong đó gồm: 12 phòng một giường và 39 phòng hai giường, nên có nhiều lựa chọn cho du khách. Ngoài ra, khách sạn còn có phòng hội trường phục vụ hội nghị, hội thảo với số lượng 80 người.
-
Nà Mạ hotel
Địa chỉ: Tổ 2 Thị trấn Yên Minh, Yên Minh, Hà Giang
Nhà nghỉ có 5 tầng và có rất nhiều phòng từ 1 giường, 2, 3 giường và đặc biệt có một phòng 5 giường thoải mái cho hội bạn bè tụ tập.
-
Khách sạn Kiên Thảo
Địa chỉ: Tổ 8 - Thị Trấn Yên Minh - Huyện Yên Minh - Tp. Hà Giang
Khách sạn gồm 21 phòng với không gian hài hòa kết hợp với thiết kế sang trọng, lịch sự, được trang bị tiện nghi đầy đủ, nội thất ấm cúng cùng đội ngũ nhân viên thân thiện, nhiệt tình tạo cho du khách cảm giác như đang đón không khí núi rừng tại chính ngôi nhà của mình.
Bên trên là một vài khách sạn, nhà nghỉ, homestay Danh Nam Travel xin được cung cấp đến bạn đọc. Hi vọng thông qua bài viết “Kinh nghiệm lưu trú khi đi du lịch Hà Giang” trên sẽ giúp bạn đọc tiết kiệm được thời gian cũng như công sức mỗi khi lựa chọn điểm nghỉ chân tại Hà Giang.
Tìm hiểu thêm kinh nghiệm du lịch Hà Giang tại đây!
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang khám phá những địa điểm nổi tiếng.
Hà Giang được biết đến với những cánh đồng tam giác mạch trải dài ngút ngàn từ các thung lũng tới những bản làng, những con đường quanh co khúc khuỷu uốn lượn quanh núi. Vẻ đẹp hoang sơ, bình dị làm say đắm bao người khi đến nơi đây.
1. Thị trấn Phó Bảng: Phó Bảng là thị trấn cổ nằm sát nơi biên giới Việt - Trung, thuộc địa phận huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Phó Bảng chỉ cách tuyến đường Yên Minh - Đồng Văn khoảng tầm 5 km. Là một thị trấn miền núi yên bình, không phải du khách nào cũng đều dừng chân lại, vì thế mà Phó Bảng luôn giữ được vẻ nguyên sơ như một thị trấn cổ bị lãng quên. Phó Bảng đẹp hút hồn với những ngôi nhà nguyên sơ mang dấu ấn kiến trúc của người Hoa cổ. Những mảng tường cũ kỹ, cánh cửa bạc phếch theo thời gian, những em bé trong bộ quần áo cũ nhèm cùng đôi má đỏ ửng... là những ấn tượng đọng lại sâu và lâu đối với những ai đặt chân đến thị trấn cổ này.
2. Rừng thông Yên Minh: Chạy qua xã Cán Tỷ, đi qua núi đôi Quảng Bạ khoảng 40 km, qua những cung đường ngoằn ngoèo sẽ tới rừng thông Yên Minh, nơi được mệnh danh là Đà Lạt thứ 2 của Việt Nam. Nơi đây, những cây thông vươn cao vút giữa núi đồi rì rào sẽ khiến xao lòng lữ khách. Khung cảnh rừng thông Yên Minh ngút trời, những trảng cỏ xanh và làn sương mù lãng đãng cùng bầu không khí trong mát khiến du khách có cảm giác tâm hồn trở nên thoải mái, tinh thần dễ chịu, như được đi vào một “Đà Lạt thứ hai”. Ngắm nhìn rừng thông Yên Minh từ trên cao xuống, cảm giác như bạn vừa được đi trên mình một con sóng với những khúc uốn quanh, mềm mại. Đặc biệt là, bên cạnh những ngọn núi cao có những con sông trải dài lên tới thượng nguồn. Sự kết hợp hài hoà giữa sông núi mây trời sẽ giúp bạn có thêm nhiều những trải nghiệm hấp dẫn và cảm nhận vẻ đẹp trữ tình đặc biệt của mảnh đất nơi này.
3. Phố cổ Đồng Văn: Phố cổ Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc xung quanh. Khu phố cổ vẻn vẹn 40 nóc nhà nằm xếp vào nhau dưới núi đá là điểm nhấn của miền đất địa đầu Tổ quốc này. Bức tranh phố cổ mỗi sớm là sự pha trộn rất "tình" với màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà xưa vừa trầm mặc, lại đơn sơ, thu hút. Khu phố cổ được hình thành từ đầu thế kỷ 20, ban sơ chỉ có vài gia đình người Mông, người Tày và người Hoa sinh sống, dần dần có thêm nhiều cư dân địa phương khác tìm đến. Nhìn tổng thể, khu phố cổ mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa với những ngôi nhà hai tầng lợp ngói âm dương, những chiếc đèn lồng đỏ treo cao. Du lịch phố cổ Đồng Văn, bạn sẽ được đắm chìm trong không gian im lìm trong sương sớm như được đánh thức bởi ánh sáng, âm thanh náo nhiệt và những sắc màu rực rỡ trong trang phục của đồng bào người Mông, Hoa, Ráy, Tày, Nùng,…
4. Dinh thự vua Mèo: Hay còn có tên gọi khác là dinh thự họ Vương, nằm trên đỉnh một quả đồi nhỏ thuộc xã Xà Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Đây là một gia tộc giàu có nhất vùng thời trước. Dinh thự có tuổi đời gần 100 năm do vua Mèo Vương Chính Đức thuê thợ giỏi và hàng vạn nhân công xây dựng trong 9 năm, tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng. Dinh thự có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp. Toàn dinh thự có 3 cung Tiền, Trung, Hậu với 64 phòng dành cho 100 người ở. Khu dinh thự này được Nhà nước công nhận là Di tích quốc gia năm 1993. Đứng ở trên đỉnh đèo nhìn xuống, Dinh họ Vương nổi bật, bề thế giữa một thung lũng heo hút. Đến Hà Giang, du khách sẽ không thể bỏ qua điểm tham quan thú vị này, khám phá dinh thự, thăm chợ phiên trước dinh thự rồi từ điểm dừng chân này, du khách có cơ hội đi tiếp để chinh phục Cột cờ Lũng Cú.
5. Cột cờ Lũng Cú.
Từ dinh thự họ Vương, bạn quay trở lại ngã 3 rẽ đi qua Phố Là, Ma Lé để đến cột cờ Lũng Cú – nơi đặt nét bút đầu tiên trên bản đồ hình chữ S. Ngay trên đường từ Ma Lé vào Lũng Cú sẽ thấy một cánh đồng tam giác mạch lớn trên sườn đồi. Đây là nơi trồng nhiều tam giác mạch nhất cho đến hiện tại. Lũng Cú ở trên độ cao 2000 m so với mực nước biển, Lũng Cú là nơi duy nhất có người Lô Lô sinh sống. Đứng trên cột cờ Lũng Cú, nhìn lá cờ Tổ quốc phấp phới bay trong gió, tận mắt thấy điểm đầu tiên đặt nét bút vẽ nên bản đồ hình chữ S là lúc lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước dâng tràn. Đứng trên cột cờ Lũng Cú ngắm hoàng hôn, sau đó quay xuống thị trấn Đồng Văn nghỉ lại Đồng Văn một tối. Bởi người ta thường truyền tai nhau rằng, lên Hà Giang mà không ngủ lại Đồng Văn thì chưa gọi là đi Hà Giang.
6. Đèo Mã Pí Lèng: Từ Đồng văn đi Mèo Vạc khoảng 20 km, đèo Mã Pí Lèng nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây được biết đến là cung đường đẹp nhất vùng cao nguyên đá. Nếu tới Hà Giang một lần thử được cầm lái chạy xe chênh vênh giữa một bên là núi đá cao ngút trời, một bên là vực sâu thăm thẳm và ngắm nhìn dòng sông Nho Quế uốn lượn như một dải sẽ khiến bạn trải qua những cung bậc cảm xúc tuyệt vời.
7. Lũng Cẩm - Sủng Là: Làng văn hóa Lũng Cẩm thuộc xã Sủng Là huyện Đồng Văn. Ở Sủng Là, nơi nổi tiếng với nhiều cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ, có những ngôi nhà trình tường, lợp ngói âm dương nằm sát nhau, là nơi ở của 36 hộ dân tộc Mông, dân tộc Hán. Lũng Cẩm được lấy làm bối cảnh chính cho bộ phim "Chuyện của Pao", ngôi làng mang đậm nét văn hóa của dân tộc Mông.
8. Nhà của Pao: Chính là ngôi nhà của ông Mua Súa Páo. Ngôi nhà vốn thuộc tầng lớp quý tộc xưa của đồng bào người Mông ở cực Bắc của Tổ quốc. Ngôi nhà trình tường vững chãi gồm hai tầng, có một gian chính, và được chia thành nhiều phòng khác nhau: phòng khách, phòng ở, nhà kho, bếp, và một chuồng dùng để nuôi gia súc, gia cầm.
9. Cao nguyên đá Đồng Văn: Cao nguyên đá Đồng Văn là địa danh không còn xa lạ chút nào đối với ai biết đến Hà Giang. Đây là một trong những công viên địa chất mang những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển của Trái Đất. cao nguyên đá Đồng Văn còn là nơi có cảnh tượng thiên nhiên hùng vĩ, độc đáo và lưu dấu nền văn hóa hết sức độc đáo của các dân tộc H'Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao.
10. Hoàng Su Phì
Khoảng tháng 5 (mùa nước đổ) hoặc tháng 9 (mùa lùa chín) đều là thời điểm tuyệt đẹp để du lịch Hoàng Su Phì. Đến Hà Giang bạn có thể thuê xe máy ở thành phố và và dong duổi đến Hoàng Su Phì. Tại Hoàng Su Phì ruộng bậc thang bắc lên tận mây trời, lác đác xen các thửa ruộng vàng óng là những mái nhà dân tộc ẩn trong lùm cây. Mỗi chiều khi hoàng hôn buông xuống, sắc mây trời quện với khói bếp tỏa ra từ mái nhà sàn khiến cảnh sắc nơi đây bình yên, mộc mạc nhưng hùng vĩ tới khó tả. Khu vực nhiều lúa nhất ở Hoàng Su Phì là: Bản Luốc, Bản Phùng, Sán Sả Hồ, Nậm Ty, Hồ Thầu và Thông Nguyên.
Tìm hiểu thêm kinh nghiệm du lịch Hà Giang tại đây!
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang ăn gì?
Đến Hà Giang, người ta không chỉ truyền tai nhau về cao nguyên đá, về những cánh đồng tam giác mạch hay những cung đường phượt mà còn về những món ăn khó quên.
-
Cháo ấu tẩu: Món cháo này có nguyên liệu là củ ấu tẩu, một loại củ có chất độc mọc trên đá ở vùng núi phía bắc. Chất độc của củ ấu tẩu có thể gây tử vong nhưng nó cũng là vị thuốc quý có tác dụng chữa bệnh. Theo kinh nghiệm dân gian, cháo ấu tẩu giúp giãn gân cốt, giảm đau cơ, nhức xương… là một món ăn rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt với người cao tuổi.
-
Thịt trâu gác bếp: Đây là một món ăn truyền thống của người Thái đen. Giống như các tỉnh vùng núi phía Bắc, thịt trâu gác bếp là món ăn phổ biến ở Hà Giang. Sau khi được tẩm gia vị, ớt, gừng và mắc khén, những thớ thịt trâu to, dài được hun khói và xiên vào que to treo trên gác bếp. Sau một thời gian, miếng thịt trâu khô lại, có vị ngọt đậm đà cùng hương vị đặc trưng.
-
Lợn cắp nách: Lai giữa lợn rừng và lợn Mường, lợn cắp nách trông khá nhỏ, khi bắt, được người dân kẹp trọn ở nách nên có tên gọi như vậy. Loại lợn này được nuôi thả và ăn rau củ dại trong rừng nên thịt nạc, chắc, không mỡ nhiều. Có nhiều cách chế biến lợn cắp nách, trong đó món ngon và nổi tiếng nhất là lòng dồi và thịt bụng hấp cách thủy. Khi ăn, thịt lợn chấm với lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặc hạt dổi, ớt xanh. Hương vị thơm ngon hòa quyện giữa vị hơi chua, chát của hạt dổi, lá chanh gặp với thịt ba chỉ ngọt, mềm.
-
Thắng cố: Đây là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc H'Mông, được chế biến từ nguyên liệu tổng hợp của ngựa bao gồm: đầu, chân, các loại thịt, nội tạng… cùng các loại thảo quả. Trước đây, người Mông chỉ chế biến thắng cố từ ngựa, ngày nay món ăn này còn được chế biến từ các loại thịt khác như trâu, bò, dê...
-
Xôi ngũ sắc: Hà Giang có rất nhiều món ăn ngon, độc đáo và nổi tiếng, trong đó có món xôi ngũ sắc dẻo thơm. Đây là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ của người dân tộc vùng núi cao này. Xôi ngũ sắc có 5 màu nổi bật trắng, vàng, tím, đỏ, xanh tượng trưng cho Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Sự hoà hợp của màu sắc, hương vị tạo nên món ăn không chỉ ngon mà còn rất bắt mắt
-
Bánh tam giác mạch: Những cánh đồng hoa tam giác mạch là nét đẹp độc đáo, biểu tượng của Hà Giang. Và hạt tam giác mạch chính là nguyên liệu để tạo nên một món bánh ngon mềm, ngọt bùi. Sau khi thu hoạch, hạt tam giác mạch được phơi khô, xay bột làm bánh. Bột tam giác mạch không quá mướt mát như bột gạo mà thoáng vị bùi, chút hăng đặc trưng của cây rừng.
Tìm hiểu thêm kinh nghiệm du lịch Hà Giang tại đây!
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang mua gì làm quà?
-
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản đặc trưng thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen ở Hà Giang. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Bắp trâu sau khi mổ thì được tẩm ướp gia vị rồi treo lên gác bếp cho khô dần. Món này rất ngon và được lòng du khách vì khi ăn sẽ cảm nhận được mùi khói khá nhẹ nhàng, thịt có vị ngọt . Với người dân Hà Giang, món trâu khô hay thịt trâu gác bếp này ngày nay không chỉ là món ăn ngon trong bữa cơm thường ngày nữa mà đã trở thành một mặt hàng đặc sản được giới thiệu với du khách.
-
Rượu ngô
Rượu ngô là một sản phẩm của người dân tộc H’mong. Rượu được nấu từ hạt cây ngô trồng trên núi đá và men lá truyền thống, có vị ngọt, thơm của ngô. Đây là món quà đặc biệt được nhiều khách du lịch lựa chọn khi có dịp tới Hà Giang.
-
Chè Shan tuyết
Chè Shan với lá to, búp và lá non có nhiều lông trắng như tuyết, sinh trưởng khoẻ, chịu ẩm, chịu lạnh, năng suất cao và chất lượng tốt. Loại chè này được nhiều người đánh giá là ngon hơn hẳn các loại chè khác. Những người yêu thưởng trà một khi đến với Hà Giang nhất định nên mùa chè Shan Tuyết về làm quà.
-
Bánh tam giác mạch
Khoảng tháng 10,11 hàng năm là thời điểm Hà Giang chào đón mùa hoa tam giác mạch tuyệt đẹp. Hạt tam giác mạch sau khi được thu hoạch, phơi khô, có thể xay bột làm bánh. Thứ bột thật mịn màng hòa với nước lạ tạo thành độ dẻo, rồi tiếp tục cho vào khuôn truyền thống đúc thành từng miếng bánh hình trọn gọi là bánh tam giác mạch. Món bánh khi thưởng thức có vị ngọt bùi và là thức quà đặc biệt mà du khách không thể bỏ qua khi tới Hà Giang. Sau khi thưởng thức no nê món bánh mộc mạc, thơm ngon này, du khách cũng có thể mua về làm quà tặng người thân, bạn bè, như mang theo chút hồn của vùng cao nguyên đá gửi tặng mọi người.
-
Mật ong bạc hà
Một đặc sản cũng được rất nhiều du khách tìm mua khi tới Hà Giang là mật ong bạc hà. Loại mật ong này có vị ngọt êm dịu, thơm ngon của mật ong hòa quyện trong mùi hương bạc hà thanh mát, còn vương vấn cả cái nắng cái gió của vùng cao nguyên Hà Giang… tất cả hương vị hòa quyện ấy tạo cảm giác thư thái cho thực khách khi thưởng thức.
-
Cam Hà Giang
Cam sành được trồng nhiều ở huyện Quang Bình và Vị Xuyên nhưng nhiều nhất vẫn là ở huyện Bắc Quang. Đây là loại trái cây ngọt lành bổ dưỡng, và là một đặc sản Hà Giang mà du khách không thể bỏ lỡ.
Lưu ý khi chọn Cam sành Bắc Quang là chọn quả to, tròn, vỏ sần sùi, màu xanh như vậy quả mới cho vị ngọt thanh, mọng nước. Vì có cùi dày nên loại cam này có thể để được đến 20 ngày mà không bị hỏng.
-
Táo mèo
Táo mèo được bán rất nhiều ở các phiên chợ ở Hà Giang. Đây là loại táo quả nhỏ, giòn, hơi chua pha lẫn chút chát. Du khách có thưởng thức các quả táo mèo tươi chín thơm nức, hay mua về ngâm cùng rượu. Rượu ngâm từ táo mèo chính là một vị thuốc chữa bệnh cao huyết áp hiệu quả.
-
Hồng không hạt
Hồng không hạt có nhiều ở vùng Quảng Bạ nên còn được gọi là hồng Quản Bạ. Khi hồng chín có màu đỏ tươi, vị ngọt bùi và hơi chát. Thức quả hấp dẫn chỉ có ở Hà Giang này được nhiều người lựa chọn mua về làm quà trong chuyến du lịch Hà Giang.
Kinh nghiệm du lịch Hà Giang cần lưu ý điều gì?
Với kinh nghiệm du lịch Hà Giang cho thấy Hà Giang là một vùng khí hậu có những sự khác biệt hơn so với các vùng khác, đặc biệt là ở khu vực vùng cao, du khách khi đến với Hà Giang nên lưa ý một số điểm như sau:
+ Nên mang theo quần áo ấm khi lên đến khu vực vùng cao vì khi hậu thay đổi đột ngột và thời tiết càng về đêm càng lạnh
+ Chuẩn bị sẵn một số thuốc tây chữa các bệnh thông thường như cảm cúm nhức đầu vì du khách có thể mắc phải khi chưa thích ứng được với bình độ cao và khí hậu lạnh.
+ Nếu du khách đến với Hà Giang trong khoảng tháng 7 và tháng 8 thì nên mang theo sẵn áo mưa hoặc ô dù, vì đó là thời điểm mùa mưa, du khách có thể gặp những ngày mưa liên tục hay những cơn mưa rào bất chợt.
+ Nếu du khách tham gia vào loại hình du lịch thể thao ở Hà Giang, nên chuẩn bị kỹ lưỡng phương tiện và dụng cụ bảo hộ mang theo, thuốc men sơ cứu đề phòng trường hợp bất trắc, đồng thời nên tham gia đông người vì đây là loại hình du lịch khá mới mẻ ở Hà Giang cho nên công tác cứu hộ rất khó khăn và thiếu thốn.
Ngoài ra các bạn nên chuẩn bị 1 số đồ dùng tiện ích cá nhân như hộp y tế cá nhân, những hóa mỹ phẩm, bọ dụng cụ cá nhân và nên chọn cho mình đôi giày phù hợp để tránh đau chân khi đi lại nhiều trên vùng núi cao.
Trên đây là toàn bộ kinh nghiệm du lịch Hà Giang mà Danh Nam Travel gửi tới bạn, chúc các bạn có chuyến đi an toàn, ý nghĩa và tiện ích nhất.
Xem ngay các tour du lịch Hà Giang 3 ngày 2 đêm >>> Tour du lịch Hà Giang
Tìm hiểu thêm những kinh nghiệm du lịch Hà Giang tại đây !
Tin khác
- Kinh nghiệm du lịch Hà Giang chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang tại Hoàng Su Phì
- Kinh nghiệm du lịch Hà Giang chinh phục dốc Bắc Sum
- Kinh nghiệm du lịch Hà Giang khám phá hồ Noong
- Kinh nghiệm du lịch Hà Giang những điểm tham quan nổi tiếng ở Hà Giang
- KINH NGHIỆM DU LỊCH HÀ GIANG KHÁM PHÁ NHỮNG NÉT VĂN HÓA
- KINH NGHIỆM DU LỊCH HÀ GIANG BÃI ĐÁ CỔ NẤM DẨN
- KINH NGHIỆM ẨM THỰC KHI DU LỊCH HÀ GIANG
- KINH NGHIỆM DU LỊCH HÀ GIANG LỄ HỘI NHẢY LỬA
- KINH NGHIỆM DU LỊCH HÀ GIANG LỄ CẦU TRĂNG CỦA NGƯỜI DÂN TỘC TÀY
- KINH NGHIỆM DU LỊCH HÀ GIANG LÊ CẤP SẮC CỦA NGƯỜI DAO