Hoàng Su Phì là một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ giữa vùng cao biên giới, ngỡ như là sự sắp đặt của tạo hóa. Thế nhưng không phải vậy, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là kết quả, là công sức lao động cần cù và sáng tạo của biết bao thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số vì sự tồn tại, sự sống của bản thân.
Từ trung tâm thành phố Hà Giang đi dọc theo Quốc lộ 2 hơn 100km là tới huyện Hoàng Su Phì – nơi không khí luôn trong lành và lạnh quanh năm. Đất đai ở đây phì nhiêu, ít có đá tai mèo như Đồng Văn, Mèo Vạc nhưng vẫn rất hiểm trở, phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống các dãy núi. 


Ruộng bậc thang là một hình thức canh tác trên đất dốc ,do ở các vùng cao, miền núi hiếm đất bằng để canh tác, nhất là trồng lúa nước nên người dân phải tạo những vạt đất bằng phẳng trên các sườn núi. Sau đó tùy vào ý định canh tác mà có thể để khô hoặc dẫn nước từ những đỉnh núi cao hơn về làm nước tưới tiêu cho cây, trái.

Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì tập trung chủ yếu ở Bản Phùng, Bản Luốc, Sán Sả Hồ, Hồ Thầu, Thông Nguyên, Nậm Ty và nằm rải rác ở các xã khác trong huyện. Từ thung lũng đến núi thấp, núi cao, đi đâu bạn cũng gặp "thiên đường ruộng bậc thang" Hoàng Su Phì. Vì thế mà rất nhiều du khách chọn xe gắn máy làm phương tiện để đến Hoàng Su Phì để vừa lái xe và tự do ngắm cảnh, hít thở hương thơm ngọt ngào của lúa.


Tại Hoàng Su Phì, mùa lúa chín vàng thường vào khoảng tháng 9, tháng 10, khi đó cả huyện chìm trong màu vàng rực rỡ. Đâu cũng là tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thangvàng trĩu, kéo dài từ làng này sang làng khác, từ đỉnh này sang núi nọ, trải dài xuống tận khe suối. Nhìn từ trên cao như một dải lụa mềm mại lượn trong gió.


Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì không chỉ là điểm hấp dẫn khách du lịch bởi nét đẹp hài hòa của tự nhiên và nhân tạo mà còn thể hiện sự kết tinh của sáng tạo và đức tính cần cù, kỹ năng canh tác sản xuất nông nghiệp của dân làng. 
Một điều đặc biệt nữa là mùa khai phá ruộng của người Dao ở Bản Luốc, Sán Sả Hồ, người La Chí ở Bản Phùng diễn ra vào các mùa khác nhau. Ngoài ra, mỗi dân tộc có tín ngưỡng nông nghiệp, nghi lễ cúng bái, cầu mùa, cầu mưa, mừng cơm mới khác nhau, chứa đựng trong nó là kho tàng văn hóa để thỏa sức du khách tìm hiểu.