NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ CỦA ĐỘNG VẬT VÙNG CỰC
1. Bộ lông của rái cá biển: BỘ LÔNG ẤM NHẤT VÀ RẬM NHẤT
      Nhiều loài động vật có vú sống ở vùng nước lạnh thường có lớp mỡ dày dưới da để giữ ấm, nhưng rái cá biển thì dựa vào một phương pháp cách nhiệt khác: Bộ lông dày.
      Rái cá biển có bộ lông dày nhất trong các loài động vật có vú, với khoảng 155.000 sợi/cm2. Khi bơi, bộ lông của rái cá giữ một lớp không khí gần cơ thể chúng. Lớp không khí này đóng vai trò như nhân tố cách nhiệt, ngăn không cho nước lạnh tiếp xúc trực tiếp với da và làm mất nhiệt độ cơ thể.
      Các nhà khoa học tin là họ có thể học được điều gì đó từ bộ lông của rái cá biển. Họ đã thử nghiệm một số áo khoác lông nhân tạo với các sợi lông có độ dài và mật độ khác nhau. Các nhà nghiên cứu này đã kết luận rằng “những chỗ lông càng dày và dài thì bề mặt lông nơi ấy sẽ càng khô hay càng không bị thấm nước”. Nói cách khác, rái cá biển có thể tự hào về “chiếc áo khoác lông” hiệu quả của chúng.
      Các nhà nghiên cứu hy vọng những thử nghiệm của họ sẽ mang lại sự cải tiến về kỹ thuật trong việc thiết kế và sản xuất vật liệu chống thấm tân tiến. Có lẽ một số người nghĩ: Biết đâu thợ lặn trong vùng nước lạnh sẽ mặc bộ đồ lặn bằng lông giống như rái cá biển?
 
2. Vây cá voi lưng gù: BỘ PHẬN GIÚP CHÚNG LANH LỢI UỐN MÌNH DỄ DÀNG
      Một con cá voi lưng gù trưởng thành lớn hơn, nặng hơn một chiếc xe buýt. Tuy nhiên, loài động vật hữu nhũ khổng lồ này có thể lặn và uốn mình dưới nước một cách rất dễ dàng. Làm sao cá voi lưng gù lại lanh lợi đến thế? Một trong các bí quyết là nhờ các khối u trên vây của nó.
      Rìa trước vây của đa số cá voi và các loài động vật biển có vú khác đều phẳng. Nhưng cá voi lưng gù thì khác. Rìa trước vây của nó có các khối u lớn. Khi cá bơi, nước lướt qua khối u, hình thành vô số xoáy nước. Những khối u ấy giúp nước đi qua và tạo ra dòng nước động. Điều này giúp cá voi có thêm lực đẩy để nâng nó lên, cho phép nó nghiêng các vây ở góc độ lớn mà không ngừng bơi. Tại độ nghiêng lớn, các khối u này giúp cá chịu ít lực cản là điều có ích vì mỗi vây chiếm khoảng 1/3 chiều dài cơ thể của nó.
      Các nhà nghiên cứu ứng dụng điều này để tạo ra bánh lái tàu, tua bin thủy lực, cối xay gió, cánh quạt máy bay trực thăng với hiệu suất cao hơn.
 
3. Chân ngựa
      Một con ngựa có thể phi nước đại với vận tốc 50 km/giờ. Mặc dù điều này đòi hỏi nhiều về chuyển động cơ học, nhưng ngựa lại tiêu hao năng lượng tương đối ít. Làm sao có thể như vậy? Bí mật nằm ở chân của ngựa.
      Hãy xem điều gì diễn ra khi ngựa phi nước đại. Những phần cơ và gân linh hoạt hấp thụ năng lượng khi chân chạm mặt đất, gần giống như cái lò xo bật lên, chân hồi lại năng lượng, đẩy con ngựa tiến về phía trước.
      Hơn nữa, ở tốc độ nước đại, chân ngựa rung lên với tần số cao nên có thể gây tổn thương cho gân. Tuy nhiên, cơ trong chân ngựa hoạt động giống như thiết bị chống rung. Các nhà nghiên cứu gọi kết cấu này là “thiết kế cơ và gân chuyên dụng cao” giúp ngựa có cả sự mau lẹ lẫn sức bền.
      Các kỹ sư đang thử mô phỏng theo thiết kế của chân ngựa cho loại rô-bốt bốn chân. Tuy nhiên, theo Phòng thí nghiệm mô phỏng sinh học của Viện Công nghệ Massachusetts với những nguyên liệu và sự hiểu biết về kỹ thuật hiện nay, sự phức tạp của thiết kế ấy không thể mô phỏng được một cách dễ dàng.
 
4. Khứu giác của chó: CHIẾC MŨI THÍNH NHẤT HÀNH TINH
      Các nhà nghiên cứu cho biết rằng chó có thể dùng khứu giác để nhận biết tuổi, giới tính và cảm xúc của những con chó khác. Chó còn được huấn luyện để phát hiện chất nổ và ma túy. Dù con người chủ yếu dùng thị giác để nhận biết những điều xung quanh, nhưng chó dùng khứu giác để làm thế. Chúng “đọc” bằng mũi. Khứu giác của chó nhạy gấp hàng ngàn lần
      khứu giác của con người. Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ, chó “có thể phát hiện một số chất dù những chất ấy chỉ bằng một phần ngàn tỉ của môi trường chứa nó. Điều này tương đương với việc nếm được khoảng một phần tư muỗng cà phê đường đã hòa tan trong hồ bơi cỡ thế vận hội”.
      Điều gì giúp chó có khứu giác vượt trội?
- Vì mũi của chó ẩm ướt nên có thể bắt các phân tử mùi tốt hơn.
- Mũi của chó có hai đường: một đường để thở, còn một đường để ngửi. Khi chó ngửi thì luồng không khí được dẫn vào khoang mũi chứa các thụ thể cảm nhận mùi.
- Vùng khứu giác của chó có thể rộng tới 130 xen-ti-mét vuông hoặc hơn, trong khi vùng khứu giác của con người chỉ rộng 5 xen-ti-mét vuông.
- Chó có số lượng tế bào thụ thể mùi nhiều gấp 50 lần so với con người.
      Tất cả những đặc điểm đó giúp chó phân biệt được các thành phần trong một hỗn hợp mùi. Chẳng hạn, chúng ta có thể ngửi và nhận ra mùi món súp nhưng theo các chuyên gia thì chó có thể nhận ra mỗi nguyên liệu trong đó.
      Các nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu ung thư Pine Street Foundation nói rằng não và mũi của chó phối hợp với nhau tạo thành “một trong những thiết bị phát hiện mùi tinh vi nhất hành tinh”. Các nhà khoa học đang sáng chế “mũi” điện tử để phát hiện chất nổ, hàng lậu và bệnh tật, kể cả ung thư.
 
5. Khả năng định vị bằng sóng âm của cá heo
      Cá heo phát ra nhiều tiếng lách cách và huýt sáo, rồi nghe các sóng âm phản hồi để định hướng và nhận biết môi trường xung quanh. Lấy ý tưởng từ khả năng định vị bằng sóng âm của cá heo mũi chai (Tursiops truncatus), các khoa học gia đang nghiên cứu những hệ thống thu thập âm thanh dưới nước để tìm giải pháp cho các vấn đề nằm ngoài khả năng của công nghệ hiện nay.
      Khả năng định vị giúp cá heo phát hiện những con cá núp trong cát dưới đáy biển và phân biệt đâu là cá, đâu là đá. Ông Keith Brown, phó giáo sư của trường Đại học Heriot-Watt ở Edinburgh, Scotland, cho biết cá heo cũng “phân biệt được giữa các thùng chứa nước ngọt, nước mặn, si-rô và dầu từ khoảng cách 10m”. Các khoa học gia muốn chế tạo những thiết bị có một số tính năng tương tự.
      Cá heo có thể phân biệt các thùng chứa những thứ khác nhau từ khoảng cách 10m
      Các nhà nghiên cứu đã phân tích âm thanh cá heo phát ra và nghe được, rồi họ cố gắng sao chép những âm thanh đó. Nhờ thế, họ chế tạo một thiết bị định vị bằng sóng âm với công nghệ điện tử tinh vi, nằm gọn trong một ống hình trụ dài chưa đến 1m. Thiết bị này được gắn vào một rô-bốt dưới nước hình ngư lôi và được thiết kế để khảo sát đáy biển, dò tìm những vật vùi dưới biển như dây cáp hoặc ống dẫn, cũng như kiểm tra tình trạng của chúng mà không cần tiếp xúc. Các nhà phát minh nghĩ có thể ứng dụng công nghệ này vào ngành dầu khí. Thiết bị định vị lấy ý tưởng từ cá heo hẳn sẽ thu thập dữ liệu với độ chính xác hơn những thiết bị hiện thời, giúp các kỹ sư xác định vị trí tốt nhất dưới biển để đặt máy móc thiết bị, phát hiện những chỗ bị hư hại như vết nứt cực nhỏ ở chân giàn khoan dầu, và thậm chí tìm ra chỗ ống dẫn bị nghẹt.
 
6. Kiểu bơi tiết kiệm năng lượng của cá hồi: LOÀI CÁ BƠI NGƯỢC DÒNG GIỎI NHẤT
      Để sinh sản, nhiều loài cá hồi bơi ngược dòng nước động trong suốt chặng đường. Làm sao chúng có thể thực hiện cuộc hành trình gian nan như thế mà không bị kiệt sức? Thay vì để mình bị đánh bại, những con cá này tận dụng dòng nước động. Như thế nào?
      Cá hồi không chống chọi với dòng nước động. Thay vì thế, chúng giữ sức khi bơi ngược dòng bằng cách tận dụng những xoáy nước nhỏ được hình thành bởi các vật cản dòng nước như đá, cành cây hoặc các vật khác. Khi những xoáy nước nhỏ được hình thành hai bên của vật cản, cá uốn mình và lướt dễ dàng qua khe giữa hai dòng nước động. Một số đàn cá tận dụng những xoáy nước được tạo ra bởi những con ở phía trước để bơi dễ dàng. Thậm chí, cá hồi có thể tận dụng dòng nước động mà chính cơ thể chúng gây ra.
      Các nhà nghiên cứu mong có thể bắt chước kiểu bơi hiệu quả của cá hồi để sản xuất điện năng từ dòng nước chảy chậm. Những máy thủy điện đang dùng thường chỉ sản xuất điện từ dòng chảy có vận tốc năm hải lý mỗi giờ (9,3km/giờ) hoặc nhanh hơn. Mới đây, có một mẫu máy dùng dao động xoáy cảm ứng để sản xuất ra điện năng từ các dòng nước chảy chậm chỉ có vận tốc hai hải lý mỗi giờ. Tuy nhiên, máy móc do con người thiết kế không thể sánh bằng khả năng của những loài cá như cá hồi. Vì thế, giáo sư Michael Bernitsas của trường đại học Michigan, Hoa Kỳ, thừa nhận: “Hiện nay, chúng ta chưa thông minh bằng con cá”.
 
7. Hệ sinh sản của ếch ấp trứng bằng dạ dày: LOÀI VẬT DUY NHẤT ẤP TRỨNG TRONG DẠ DÀY
      Loài ếch Úc ấp trứng bằng dạ dày, bị cho là đã tuyệt chủng từ năm 2002, có tập tính sinh sản rất kỳ lạ. Ếch cái nuốt trứng vào bụng và ấp bằng dạ dày trong khoảng sáu tuần. Sau đó, ếch con thành hình đầy đủ chui ra từ miệng của mẹ.
      Để tránh tiêu hóa trứng của mình, ếch mẹ không chỉ cần nhịn ăn mà còn cần dừng tiết axit dạ dày. Chất hóa học do trứng và nòng nọc tiết ra đã ngăn việc tiết axit.
      Ếch mẹ thường ấp khoảng 24 trứng. Tới lúc sinh, những chú ếch con có thể chiếm đến gần 40% tổng trọng lượng cơ thể của ếch mẹ. Điều này giống như một phụ nữ nặng 68kg trước khi mang thai 24 đứa con, mỗi đứa nặng 1,8kg! Những chú ếch con “bành trướng” trong dạ dày của mẹ chúng đến mức lấn ép hoàn toàn phổi của mẹ, buộc ếch mẹ phải thở bằng da.
      Khi tới thời điểm, thường thì những chú ếch con sẽ chui ra dần dần trong vòng vài ngày. Nếu ếch mẹ nhận thấy có nguy hiểm, nó sẽ sinh bằng cách nôn con ra. Các nhà nghiên cứu có lần chứng kiến một con cái nôn ra cùng một lúc sáu chú ếch con, phun chúng ra xa khoảng 1m trong không khí.
      Một số người cho rằng hệ sinh sản của loài ếch này là do tiến hóa. Nếu vậy, ếch ấp trứng bằng dạ dày đã phải thực hiện những thay đổi rất lớn về cả cấu tạo cơ thể lẫn tập tính một cách đột ngột. Michael J. Tyler, khoa học gia và người ủng hộ thuyết tiến hóa, viết: “Sự thay đổi dần dần trong đặc điểm sinh học sinh sản của chúng là điều không tưởng. Tập tính phải tuyệt đối hiệu quả, nếu không sẽ thất bại hoàn toàn”. Ông nói rằng cách giải thích hợp lý duy nhất là “một bước đột phá lớn”. Một số người gọi bước đột phá như thế là sự sáng tạo.
 
8. Cánh bướm: ĐÔI CÁNH CHỐNG BÁM BỤI TỐI TÂN NHẤT
      Cánh bướm mỏng manh đến nỗi nếu bị dính dù chỉ một ít bụi hay vài giọt nước cũng có thể làm con bướm khó bay. Tuy nhiên, cặp cánh của chúng luôn sạch sẽ và khô ráo. Bí quyết là gì?
Cánh bướm có các vảy li ti xếp chồng lên nhau
      Khi nghiên cứu về loài bướm Morpho Xanh Khổng lồ (Morpho didius), các nhà nghiên cứu của Đại học Tiểu bang Ohio khám phá ra rằng dù cánh của loài bướm này có vẻ rất mịn khi nhìn bằng mắt thường, nhưng bề mặt của nó được phủ bởi các vảy li ti xếp chồng lên nhau như ngói trên mái nhà. Thậm chí, trên mặt những vảy này còn có các rãnh nhỏ hơn nằm song song với nhau, khiến bụi bẩn hoặc các giọt nước dễ dàng lăn đi. Các kỹ sư đang tìm cách mô phỏng bề mặt cánh bướm nhằm tạo ra những lớp phủ công nghệ cao có khả năng chống bụi và nước dùng cho ngành công nghiệp và các thiết bị y học.
      Cánh bướm chỉ là một ví dụ cho thấy khoa học đang nỗ lực thế nào để mô phỏng cấu trúc của các sinh vật. Một nhà nghiên cứu tên là Bharat Bhushan nói: “Thiên nhiên đầy dẫy những kỳ công công nghệ, từ vi mô cho đến vĩ mô, tạo cảm hứng sáng tạo cho con người trong hàng thế kỷ qua”.
 
9. Thính giác phi thường của bướm đêm lớn
      Bướm đêm lớn có thể nghe âm thanh với cao độ lớn hơn bất cứ loài vật nào trên thế giới. Tuy nhiên mỗi tai của nó có cấu trúc rất đơn giản, chỉ bằng đầu kim. Trong nhiều năm, thính giác của bướm đêm lớn là đề tài nghiên cứu. Gần đây, các nhà khoa học thuộc trường đại học Strathclyde tại Scotland đã thử nghiệm thính giác của bướm đêm với nhiều loại âm thanh. Họ đo độ rung của hai màng tai giữa và ghi lại hoạt động của các dây thần kinh thính giác của bướm. “Màng nhĩ” vẫn phản ứng khi nghe âm thanh ở tần số 300 kilohertz.
      Trong khi đó, khả năng định vị bằng tiếng vang của dơi chỉ đến 212 kilohertz, thính giác của cá heo ở mức cao nhất là 160 kilohertz và con người thì nghe không vượt quá 20 kilohertz. Các nhà nghiên cứu muốn đưa khả năng thính giác phi thường của bướm đêm lớn để áp dụng vào các công nghệ mới. Như thế nào? Tiến sĩ James Windmill thuộc đại học Strathclyde cho biết: “Để tạo ra những micrô nhỏ hơn và tốt hơn, rồi có thể đặt chúng vào rất nhiều loại thiết bị như điện thoại di động và máy trợ thính”.
 
10. Cánh của chuồn chuồn: ĐÔI CÁNH THIẾT KẾ KHÍ ĐỘNG HỌC TUYỆT VỜI
      Một số con chuồn chuồn có thể lượn khoảng 30 giây mà vẫn duy trì được độ cao. Bí quyết là gì? Đó là nhờ đôi cánh có tính năng khí động lực mà không sản phẩm nào của những nhà sản xuất máy bay có thể sánh bằng!
      Đôi cánh siêu mỏng của con chuồn chuồn có nếp gấp, nhờ đó cánh không bị cong vẹo. Các nhà khoa học khám phá ra rằng các nếp gấp này cũng góp phần tạo sức nâng khi con chuồn chuồn đang lượn. Tạp chí New Scientist cho biết: “Điều này có được là vì không khí luồn qua các nếp gấp, tạo ra những vùng ít lực ma sát và nhờ vậy giúp tăng sức nâng đã có do sự chuyển động của không khí qua đôi cánh”.
      Sau khi nghiên cứu cánh con chuồn chuồn, kỹ sư hàng không là Abel Vargas và đồng nghiệp của ông kết luận rằng “những đôi cánh mô phỏng từ thiên nhiên rất hữu ích trong việc thiết kế các máy bay siêu nhỏ”. Được gắn máy ghi hình hoặc những thiết bị khác, các rô-bốt biết bay nhỏ bằng lòng bàn tay có nhiều ứng dụng thực tiễn, từ việc thu thập thông tin về những nơi bị tai ương đến việc kiểm định mức độ ô nhiễm môi trường.
 
11. Đôi cánh của loài vật: NHỮNG CHUYÊN GIA BAY LƯỢN TRÊN BẦU TRỜI
      Bay trong không trung hiệu quả hơn bạn nghĩ đến máy bay hay những sinh vật như dơi, côn trùng và chim? Dù tin hay không, máy bay không thể sánh kịp với những sinh vật nhỏ bé tuyệt diệu ấy trong thiên nhiên. Về những sinh vật này, ông Wei Shyy, giáo sư về không gian vũ trụ tại đại học Michigan nói: “ Chúng có những khả năng nổi bật giúp bay trong không trung dù gặp gió mạnh, mưa và tuyết”. Bí quyết của chúng là gì? Đó là vỗ cánh. Những phi công khao khát có được khả năng đó khi con người lần đầu tiên cố gắng cất mình khỏi mặt đất.
      Khi một số loài chim và côn trùng bay, đôi cánh của chúng thay đổi hình dạng liên tục để thích ứng với môi trường. Nhờ thế, chúng có thể bay lượn và quay ngoắt đột ngột. Tạp chí Science News tường thuật những gì quan sát được từ loài dơi: “Lúc bay chậm khoảng 1,5m mỗi giây, dơi gập đầu cánh xuống và nhanh chóng đập mạnh về phía sau. Các nhà khoa học phỏng đoán rằng kỹ thuật này... tạo ra lực nâng và lực đẩy”.
      Chắc chắn còn có nhiều điều để tìm hiểu về loài vật biết bay. Một giáo sư về cơ học và không gian vũ trụ tại đại học Florida là ông Peter Ifju đã hỏi: “Về mặt vật lý, chúng làm gì trong không khí để có thể tạo ra lực nâng hiệu quả đến vậy?”. Ông nói thêm: “Có nhiều điều chúng ta không hiểu về các luồng khí tác động lên cánh của chúng. Chúng ta có thể nhìn thấy những gì chúng đang làm, nhưng lại không hiểu những gì chúng làm tương tác với không khí như thế nào”.
 
12. Xạ hương ở hươu đực: MÙI HƯƠNG HẤP DẪN BẠN TÌNH SỐ MỘT
      Xạ hương được tìm thấy ở loại hươu xạ sống chủ yếu tại khu vực phía Bắc của châu Á, đặc biệt là dãy Himalaya. Đây là loài động vật có kích cỡ nhỏ, sống đơn lẻ, rất nhút nhát và không có gạc.
      Bù lại việc thiếu gạc, những con hươu xạ đực lại mang trên mình hóa chất đặc biệt giúp chúng hấp dẫn bạn tình. Chúng cất giữ báu vật này trong một túi lông nhỏ phía trước dương vật. 
      Những chất này rất thơm và lọt vào mắt xanh của những nhà sản xuất nước hoa.
      Theo đó, túi lông hươu xạ được đem làm khô rồi băm nhỏ và bỏ vào dung dịch rượu mạnh. Sau đó, các nhà sản xuất ngâm chúng hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Kết quả thu được là một hợp chất với mùi hương ngọt ngào mà nhẹ nhàng, nhất là thơm rất lâu.
 
13. Hương hải ly: MÙI HƯƠNG QUYẾN RŨ LẠ KỲ
      Hải ly là một trong những loài nổi tiếng với việc gây dựng lãnh thổ, rất hung hăng với những kẻ xâm nhập bất hợp pháp. Chúng sử dụng bùn, rác và Castoreum để đánh dấu trên khắp chiều dài lãnh thổ của mình.
      Castoreum được hải ly sản xuất tại một tuyến gồm các túi nhỏ bên trong cơ thể, nằm giữa xương chậu và đuôi. 
      Trong công nghiệp sản xuất nước hoa, chất này được sử dụng như một thứ nguyên liệu vô cùng đặc biệt. Các túi chứa Castoreum trong người hải ly sẽ được hun khói hoặc phơi nắng để làm khô. Lúc này, Castoreum sẽ trở nên có mùi êm dịu, ngọt ngào.
      Không chỉ tạo mùi hương, nước hoa có thành phần Castoreum còn tạo một cảm giác dễ chịu trên da, chống kích ứng cho người sử dụng. 
      Ngoài ra, Castoreum còn được sử dụng để chữa một số bệnh như đau đầu, động kinh,… bởi trong hợp chất này có chứa axit salicylic, giống như aspirin. 
      Tuy nhiên, điều đáng tiếc là muốn có Castoreum, con người buộc phải giết các cá thể hải ly. 
 
14. Động vật chịu lạnh nhất trên trái đất
14.1.  Sóc đất Bắc cực
      Sóc đất Bắc cực là động vật có vú duy nhất trong danh sách các loài có thể chống lại việc đóng băng dưới 0°C. Mặc dù nhiều động vật có vú có khả năng đối phó với cái lạnh bằng lớp lông rậm rạp hoặc ngủ đông trong các tháng rét buốt, nhưng không có cách nào trong số này sánh được với khả năng của sóc đất Bắc cực. Chúng có thể siêu làm lạnh cơ thể của mình xuống dưới ngưỡng đóng băng, tới -2,9° C, một kỷ lục trong thế giới động vật có vú.
      Tuy nhiên, sự thích nghi ấn tượng thực sự lại xảy ra trong bộ não của sóc đất Bắc cực. Chúng có thể cắt rời các kết nối thần kinh, các khớp thần kinh để ngủ đông, rồi tái kết nối chúng ngay sau khi thức tỉnh và làm ấm cơ thể, gần 2 - 3 tuần một lần trong suốt mùa đông.
      Việc ngủ đông khiến các sợi nhánh tế bào thần kinh chuyên nhận những thông điệp hóa học từ các tế bào thần kinh khác teo quắt. Một nghiên cứu của Nga hồi đầu những năm 1990 phát hiện, bộ não bị cắt đứt các liên kết thần kinh của sóc đất Bắc cực ở giữa quá trình ngủ đông chứa ít các sợi nhánh tế bào thần kinh hơn so với bộ não của chúng khi đã tỉnh thức và hồi phục lúc khí hậu ấm hơn.
      Và chỉ 2 tiếng đồng hồ sau khi bừng tỉnh khỏi giấc ngủ, các kết nối thần kinh của chúng được khôi phục và thậm chí còn có nhiều sợi nhánh tế bào thần kinh hơn trước kia. Song, 12 - 15 tiếng sau đó, bộ não bắt đầu cắt đứt các kết nối một lần nữa khi sóc quay trở lại trạng thái ngủ đông.
14.2.  Gấu nước 
      Không có bất kỳ sinh vật nào có thể so sánh khả năng chống lạnh ấn tượng như tardigrade. Những vi sinh vật thường được gọi là gấu nước có thể sống sót hầu như trong mọi điều kiện, ở nhiệt độ cực cao hoặc cực thấp, tiếp xúc với lượng lớn bức xạ, sự khử nước và thậm chí là môi trường chân không.
      Gấu nước có thể gần như sống sót ở nhiệt độ khi các nguyên tử vật chất ngưng chuyển động. Một cá thể của loài này, biệt danh Mike bền bỉ, đã chống chịu được nhiệt độ -273° C trong phòng thí nghiệm.
      Gấu nước cũng được ghi nhận sống sót qua nhiệt độ cao tới 150° C, trên cả điểm sôi của nước. Không những vậy, chúng còn sống sót không bị tổn thương gì qua trạng thái khô quắt lại. Một nghiên cứu gần đây đã tái hồi sinh thành công các cá thể gấu nước bị đông lạnh năm 1983 và chúng vẫn có khả năng sinh trưởng tốt và sinh sản sau đó.